Bất động sản du lịch biển 2020: Gọi tên những vùng đất mới

Bất động sản du lịch 2020 không chỉ xuất hiện các xu hướng mới, mô hình mới mà còn xuất hiện các vùng đất du lịch mới, đủ điều kiện, tiềm năng và sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Phải thừa nhận, sự tăng trưởng nhanh của du lịch biển đã giúp phân khúc bất động sản du lịch tại Việt Nam đứng vị trí cao những năm gần đây. Tờ Telegraph (Anh) đã xếp Việt Nam vào top 20 thị trường ngôi nhà mới nổi nhờ sở hữu hệ thống tài nguyên thiên nhiên đa dạng và dịch vụ nghỉ dưỡng giải trí đang phát triển rất nhanh.

Trước sự lớn mạnh của ngành du lịch, bất động sản du lịch được xem là con gà đẻ trứng vàng. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 10 tháng đầu năm 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 14,5 triệu lượt, tăng 13% so với cùng kỳ 2018. Trong số đó, khách Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm gần 56% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Theo nhận xét của Tổng cục Du lịch, đây là mức tăng trưởng ấn tượng, cao hơn đáng kể mức bình quân chung của thế giới cũng như khu vực. Tổng cục Du lịch tiên đoán đến năm 2020, Việt Nam sẽ đón 21 triệu lượt khách quốc tế, và đến 2025 con số này sẽ tăng lên 32 triệu lượt. Theo đó, đến năm 2020, dự báo cả nước cần 650.000 – 700.000 phòng lưu trú; đến năm 2025 cần có từ 950.000 – 1.050.000 buồng lưu trú.

Dư địa phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng - Bất động sản du lịch biển 2020

Dư địa phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.

Còn theo CBRE Việt Nam, cùng với cú hích từ hệ thống cơ sở hạ tầng, nguồn khách du lịch gia tăng mạnh mẽ hằng năm sẽ là đòn bẩy kích thích sự phát triển bền vững cho phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Đó cũng là lý do phân khúc này nhanh chóng chiếm được vị trí cao trên bảng xếp hạng thị trường bất động sản trong năm 2019.Ngoài ra, Việt Nam sở hữu đường bờ biển dài hơn 3.400km trải dọc từ Bắc tới Nam, với hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ, hàng loạt bãi tắm hoang sơ, là những điều kiện thuận lợi cho du lịch biển Việt Nam phát triển. Bên cạnh sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên thì những nét văn hóa vùng miền đặc trưng và việc thừa hưởng các di tích lịch sử phong phú cũng là yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của các loại hình du lịch biển nước ta so với nhiều quốc gia khác.

Thống kê cho thấy, số khách đến du lịch biển chiếm khoảng 70% và doanh thu trên 60%. Đây là ngành du lịch mũi nhọn trong các loại hình du lịch của Việt Nam. Trong đó, các khu vực biển có tiềm năng du lịch lớn đã và đang được đầu tư phát triển hạ tầng giao thông là vịnh Hạ Long – Hải Phòng – Cát Bà; Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam; Vân Phong – Đại Lãnh – Nha Trang; Vũng Tàu – Long Hải – Côn Đảo; Hà Tiên – Phú Quốc; Phan Thiết – Mũi Né cũng đóng góp một phần không nhỏ vào doanh thu ngành du lịch cả nước.

Dòng vốn dịch chuyển về những vùng đất mới

Lượng khách du lịch gia tăng mạnh mẽ theo từng năm là “đòn bẩy” quan trọng kích thích sự phát triển của phân khúc bất động sản du lịch. Các dòng sản phẩm bất động sản du lịch khi được đặt trong quần thể phức hợp đầy đủ tiện ích được nhiều chủ đầu tư triển khai đồng thời cũng trở thành đích ngắm của nhiều nhà đầu tư thứ cấp.

Tại các thị trường truyền thống như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc… từ năm 2015 ghi nhận sự bùng nổ của hàng loạt các dự án quy mô lớn, thu hút dòng vốn đầu tư sơ cấp và thứ cấp. Tuy nhiên, đến thời điểm từ giữa năm 2018, số lượng các dự án được chào bán mới tại những khu vực này bắt đầu hạn chế, nguồn cung cũng có dấu hiệu sụt giảm.

Hiện tượng này phát xuất từ hàng loạt lý do. Áp lực quỹ đất sạch, cạnh tranh về vị trí, giá sản phẩm, dòng vốn đầu tư ngày càng lớn… đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung, khiến thị trường dần rơi vào tình trạng bão hòa. Khi dư địa phát triển ngày càng khan hiếm, những cái tên mới trên bản đồ du lịch Việt Nam đã trở thành miền đất hứa đối với nhiều doanh nghiệp phát triển du lịch và bất động sản du lịch. Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Vũng Tàu… đã được gọi tên như những thị trường đầu tư mới nổi đầy hấp dẫn trong bối cảnh như vậy.

Có được quỹ đất dồi dào, giá đất thấp, chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn…, sức hút của những vùng đất mới còn được thúc đẩy từ chính nhu cầu du lịch đa dạng của du khách. Thay bằng việc lựa chọn điểm đến chỉ để “nghỉ dưỡng” như trước đây, du khách ngày càng mong muốn được tận hưởng một kỳ nghỉ theo hướng kết hợp nghỉ dưỡng và trải nghiệm hàm lượng cao.

Ninh Thuận: Địa phương nổi tiếng với các di tích Champa và làng nghề truyền thống. Trong năm 2018, Ninh Thuận đã đón 2,19 triệu lượt khách, tăng 15,2% so với năm 2017, doanh thu từ du lịch tăng 18,7% so với năm 2017. Một kế hoạch tổng thể để phát triển kinh tế, xã hội tới năm 2020 đã được thiết lập với 3 ngành mũi nhọn là du lịch, bất động sản và năng lượng sạch. Hiện Ninh Thuận có 61 dự án du lịch, với tổng số vốn đăng ký gần 20 nghìn tỷ đồng.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Vũng Tàu được kết nối tốt với TP.HCM bằng đường cao tốc và kế hoạch phát triển 2 sân bay (Hồ Tràm và Gò Găng). Thành phố có kế hoạch phát triển du lịch như một ngành nghề trọng điểm với 155 dự án đầu tư, bao gồm 18 dự án có vốn đầu tư nước ngoài có giá trị vốn đăng ký 4,4 tỷ USD và 137 dự án có vốn đầu tư trong nước với giá trị vốn đăng ký 48,7 nghìn tỷ đồng.

Hạ Long: Một loạt các dự án như cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, Hạ Long – Hải Phòng, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long… cùng hàng loạt các khu nghỉ dưỡng, sân golf, cơ sở dịch vụ, sản phẩm du lịch mới đã làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo đô thị, diện mạo ngành du lịch Quảng Ninh.

Đặc biệt, theo quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố sẽ được phát triển theo mô hình đa cực. Về định hướng phát triển du lịch, vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, resort cao cấp, cảng tàu khách quốc tế, bến du thuyền, bến thủy nội địa hiện đại đẳng cấp quốc tế tập trung tại Bãi Cháy – Hùng Thắng, du lịch văn hóa tại khu vực Hòn Gai, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao tại tập trung về Tuần Châu, Đại Yên. Đồng thời, tiếp tục thu hút đầu tư hệ thống các khách sạn, resort, khu vui chơi giải trí chất lượng cao để cung cấp dịch vụ đa dạng cho khách du lịch. Bố trí quỹ đất 524ha để xây dựng các cơ sở lưu trú như resort, khách sạn, nhà nghỉ…

Doanh nghiệp và chuyên gia nói gì?

Là một trong những doanh nghiệp phát triển bất động sản du lịch biển, ông Ngô Hữu Trường, Phó Tổng giám đốc Crystal Bay cho hay: Với tầm nhìn và mong muốn biến Việt Nam thành điểm đến mới của châu Á, Crystal Bay có kế hoạch đầu tư chiến lược tại Ninh Thuận. Ninh Thuận là vùng đất Duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối hạ tầng tốt như cao tốc từ Nha Trang đi Ninh Thuận được ưu tiên, cảng biển Cà Ná… Như vậy, đến với Ninh Thuận có thể kết hợp tất cả các yếu tố đường sắt, đường biển, đường bộ, hàng không. Ninh Thuận được thiên nhiên ưu ái, bờ biển trong đẹp, có nhiều dãy núi đặc sắc, có vịnh Vĩnh Hy rất đẹp và đặc biệt là có cả sa mạc.

Ninh Thuận là điểm đến rất đặc biệt: Có thảo nguyên, rừng, biển, sa mạc. Và cũng chỉ có riêng ở Ninh Thuận trồng được nho và làm được rượu vang, nuôi được cừu… Văn hoá Chăm Pa, dân tộc thiểu số cũng là yếu tố thu hút khách du lịch, trải nghiệm.

Ông Trường nhấn mạnh: “Chúng tôi đang có kế hoạch đầu tư lớn vào Ninh Thuận, biến Ninh Thuận thành địa điểm mới, nhiều trải nghiệm đặc sắc. Kế hoạch đầu tư cánh đồng khinh khí cầu như Thổ Nhĩ Kỳ ở Ninh Thuận. Thứ hai là đầu tư công viên chuyên đề. Thứ ba đầu tư nhà tuyết nhân tạo trong nhà. Thứ tư là đầu tư trung tâm giải trí tương tác công nghệ cao Inter Active; Safari trên sa mạc; Ninh Thuận – walking street; Ninh Thuận Marina Bay; Outlet Villa – làng mua sắm hàng hiệu giá rẻ; khu vui chơi giải trí, quán bar ngoài trời, nhà hát biểu diễn văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí; công viên nước…”

Đứng ở góc độ nghiên cứu thị trường, ông Nguyễn Trọng Thức, Quản lý cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn phát triển, CBRE Việt Nam phân tích: Ở miền Bắc, với việc thông cầu Bạch Đằng vào tháng 9/2018 và cao tốc Hạ Long – Vân Đồn cũng như sân bay Vân Đồn được xây dựng, bất động sản nghỉ dưỡng Vân Đồn sẽ thu hút thêm nhiều sự quan tâm trong thời gian tới.

Ở Miền Trung, tại Khánh Hòa, trong 3 năm tới, khu vực Phạm Văn Đồng và Bãi Dài sẽ là những điểm nóng dự án. Tại Phú Quốc, làn sóng tiếp theo sẽ diễn ra ở Bắc đảo (nơi được kỳ vọng sẽ có casino đầu tiên cho phép người Việt vào chơi), cũng như khu vực phía Nam sân bay. Ở Đà Nẵng, khu vực quận Sơn Trà cũng như khu vực dọc đường xuống Hội An sẽ là điểm nóng trong tương lai. Gia tăng kết nối khiến việc lan tỏa dự án đến những địa phương mới hơn như Sapa, Vân Đồn, Quảng Bình, Quy Nhơn trở nên khả thi hơn.

Ngoài ra, trong thời gian tới, khi quỹ đất dành cho dự án nghỉ dưỡng ven biển đang hạn hẹp dần, bất động sản ở các địa phương miền núi có thể trở thành điểm nóng. Tuy nhiên, dự án ở miền núi cần được phát triển phù hợp với điều kiện tự nhiên, không thể cứ gượng ép áp dụng những mô hình như condotel cao tầng.

Ông Thức nhận định: “Những chủ đầu tư thành công chính là những đơn vị xét đến không chỉ nguồn cầu mua sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, mà cả nguồn cầu thuê phòng khi dự án đi vào vận hành. Nhằm tạo điểm nhấn và thu hút cả hai nguồn cầu này, các dự án mới có thể xem xét sử dụng những đơn vị quản lý chưa có mặt tại Việt Nam, hoặc những tên tuổi “boutique” hơn với thiết kế,concept mới lạ”.

Trong tương lai, ông Thức cho rằng rằng xu hướng dịch chuyển của các doanh nghiệp bất động sản chuyên về nhà ở cũng “chuyển lái” sang triển khai các dự án nghỉ dưỡng.

Đọc thêm về CONDOTEL VIỆT NAM

5/5 - (3 bình chọn)

Leave a Reply